Quýt được mùa nhưng không được giá hiện đang là nỗi lo lớn nhất của nông dân xã Minh Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An. Thời điểm này, quýt chín rộ rụng vàng đất, nhưng người nông dân vẫn đau đầu với “bài toán” nên bán hay không bán?
Xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An hiện có tổng diện tích hơn 500ha trồng quýt, phần lớn là giống quýt PQ. Quýt PQ là giống cây sinh trưởng tốt, phát triển khoẻ và cho năng suất cao. Tuy nhiên, năm nay giá quýt thấp kỷ lục, người nông dân rơi vào cảnh bán cũng dở mà không bán cũng “chết”.
Với hơn 10 năm thâm niên trồng cam quýt, nông dân Võ Văn Trung, xóm Minh Trung, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chia sẻ: “Nhà tôi đang trồng hơn 500 gốc quýt trên diện tích là 1ha trong đó quýt PQ là giống chính. Đây là giống dễ chăm sóc và năng suất cao. Trước Tết, quýt còn xanh, lượng cam còn nhiều nghĩ không được giá nên tôi không bán, không ngờ ra Tết giá quýt quá rẻ, lại rụng quả nhiều, bán ngang quýt đẹp có 3.500 – 4.000 đồng/kg, thực lòng thà đổ đi còn hơn bán”.
Không chỉ riêng gia đình ông Thắng, nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn ở xã Minh Hợp cũng trở nên “điêu đứng” vì hiện tượng quýt vàng rụng đầy gốc mà bán cũng dở không cũng chẳng xong.
Anh Phạm Sỹ Quyết - người có hơn 2,5 ha quýt than thở: “Với 2,5 ha, năm nay tôi đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc tầm 125 triệu đồng, dự kiến cho 70 tấn quả. Năng suất quả tốt, cứ nghĩ thời điểm này hết cam, quýt sẽ được giá hơn nhưng không ngờ giá rẻ như vậy, dạo gần đây quýt còn rụng nhiều, gia đình dọn cả ngày cũng không hết lượng quýt rụng, quýt thối rụng chất đống ngoài vườn cũng không buồn thu hoạch nữa...”
“Hái quýt cần lượng người khá nhiều, tôi phải thuê thêm người, tính ra lỗ nặng. Người ta trồng ít còn đỡ, tôi trồng số lượng lớn, vụ quýt năm nay coi như là mất trắng”, anh Quyết bộc bạch.
Anh Quyết cũng cho biết thêm, nếu năm ngoái đến tầm này, thương lái đã ồ ạt đi thu mua cả những trái quýt rụng sớm và chủ động hái quýt cùng chủ vườn thì năm nay, tới đầu tháng 4 rồi mà vẫn phải gửi quýt đi chào hàng nhiều chợ đầu mối như Vinh, Đà Nẵng... Một số thương lái nhỏ lẻ còn tới các nhà vườn thu gom ép giá của nông dân, kì kèo qua lại.
Vì giá bán thấp kỉ lục và không có đầu ra, nhiều hộ gia đình trồng quýt nơi đây chấp nhận để quả chín rồi rụng.
Cũng gặp khó khăn như anh Quyết, gia đình chị Cường ở cùng xóm lại có hướng giải quyết khác, chị chia sẻ rằng: “Đợt đầu tháng 3 người ta vào hỏi mua cắt cả lô với giá 4.000 đồng/kg, nhìn quýt rụng quá nhiều chị thấy nóng ruột quá nên thôi đành bán luôn, tính cả tiền thuê người cắt thì mùa quýt năm này xem như không thu được gì, thôi thì mình lấy công làm lời vậy”.
Với những năm trước, quýt vừa được mùa lại vừa được giá cứ 1ha, nông dân thu được 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc ra thì người nông dân thu về lãi khoảng hơn 500 triệu.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện tại ở xã Minh Hợp, chỉ có hơn 50% diện tích quýt của các hộ được bán, số còn lại đã chín nhưng chưa được thu hoạch hoặc nông dân không muốn thu hoạch vì giá cả không được là bao.
Ông Nguyễn Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết, thị trường tiêu thụ quýt năm nay chậm, quýt lại có hiện tượng vàng rụng nhiều gây khó khăn lớn cho các hộ trồng. Trước thực trạng đó, xã đã có phương án quy hoạch vườn cam, quýt theo hướng bền vững, đồng thời, tổ chức các đại hội như đại hội hiệp hội cam Vinh trên địa bàn Quỳ Hợp để sản phẩm quýt Minh Hợp được công nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem thúc đẩy bà con sản xuất và quảng bá thương hiệu đạt hiểu quả kinh tế cao hơn trong thời gian tới.