Từ đầu tháng 3/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận tình trạng nghêu chết rải rác tại các hợp tác xã nuôi nghêu tại huyện Ba Tri. Đến nay, Hợp tác xã Thủy sản An Thủy (Ba Tri) thiệt hại gần 100 tấn nghêu, kích cỡ 50-80 con/kg. Các Hợp tác xã Thủy sản như Bảo Thuận, Tân Thủy (Ba Tri) cũng xuất hiện tình trạng nghêu chết, với tỷ lệ khoảng 5% trên tổng sản lượng bãi nghêu (600 tấn).
Kiểm tra mật độ nghêu tại bãi nuôi. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Ông Huỳnh Văn Dư, chuyên viên Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, theo đánh giá sơ bộ, nguyên nhân nghêu chết là do độ mặn tăng cao đột ngột kết hợp nắng nóng. Trước khi thời điểm nghêu chết, độ mặn đo được là 19-20%o, trong khi xảy ra hiện tượng chết độ mặn ở mức 27-28%o. Độ mặn này tuy nằm trong ngưỡng thích hợp của nghêu nhưng do độ mặn tăng đột ngột trong thời gian phơi bãi làm nghêu yếu đi và chết.
Hiện các cơ quan chuyên môn đã chuyển mẫu đất, nước, nghêu đến Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải (Cà Mau) để xét nghiệm tìm nguyên nhân cụ thể.
Theo ông Huỳnh Văn Dư, tỷ lệ nghêu chết 5-10% vẫn không đáng kể, còn nằm trong tỷ lệ cho phép tại bãi nghêu. Ngành thủy sản đã hướng dẫn các hợp tác xã làm sạch môi trường, thu dọn vỏ, xác nghêu chết lên bãi triều cao để tránh làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các con nghêu khác. Đồng thời, kết hợp đo độ mặn, tiếp tục san thưa, di dời những chỗ nghêu dày.
Trước đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã có khuyến cáo đến hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật xử lý các trường hợp nghêu chết bất thường hoặc khi xảy ra thời tiết bất lợi cho nghêu.
Cụ thể, ngành chức năng yêu cầu các hợp tác xã nuôi nghêu thường xuyên khảo sát sân bãi, kiểm tra tình hình phát triển của nghêu nuôi, theo dõi chặt chẽ sự biến động của thời tiết, môi trường nước. Cùng đó, phân công cán bộ đo đạc các yếu tố môi trường: độ mặn, nhiệt độ, PH,… nhằm phát hiện các biến động bất lợi của môi trường, thời tiết để có giải pháp quản lý tốt.
Đối với nghêu giống, nghêu trung chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần tiến hành san thưa hoặc di dời ra vùng bãi nuôi sâu hơn, giảm mật độ nghêu nuôi ở các bãi gò cao, mật độ khoảng từ 150-200 con/m2. Các hợp tác xã và hộ nuôi tập trung thu hoạch toàn bộ số lượng nghêu thịt đạt kích cỡ thương phẩm trước thời điểm giữa tháng 3 (dương lịch). Đồng thời, khẩn trương thu gom toàn bộ vỏ nhuyễn thể bị chết lên bãi cao tránh ô nhiễm môi trường vùng nuôi; tuyệt đối không đem nhuyễn thể sống còn lại khu vực nuôi bị nhiễm bệnh tiếp tục thả nuôi ở các bãi nuôi khác nhằm tránh lây lan giữ các vùng nuôi...
Bến Tre là một trong những tỉnh có phong trào nuôi nghêu phát triển khá mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung ở các huyện biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 hợp tác xã nuôi nghêu ở 3 huyện biển với tổng diện tích 7.414 ha; trong đó, có 3.762 ha diện tích có nghêu, gồm 345 ha nghêu giống và 3.417 ha nghêu thịt.